TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 10/2021/KDTM-PT NGÀY 02/04/2021 VỀ TRANH CHẤP GIỮA THÀNH VIÊN CÔNG TY VỚI CÔNG TY QUYỀN SỞ HỮU VỐN GÓP, GIỮA THÀNH VIÊN CÔNG TY VỚI NHAU GIAO DỊCH CHUYỂN NHƯỢNG CỔ PHẦN, HỦY CON DẤU CÔNG TY, QUÁ TRÌNH QUẢN LÝ CÔNG TY
Ngày 02 tháng 4 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 08/2020/TLPT-KDTM ngày 30 tháng 12 năm 2020 về việc: “Tranh chấp giữa thành viên Công ty với Công ty về quyền sở hữu vốn góp; tranh chấp giữa thành viên Công ty với nhau về giao dịch chuyển nhượng c ổ phần; tranh chấp về hủy con dấu công ty; tranh chấp trong quá trình quản lý Công ty”.Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 06/2020/KDTM - ST ngày 22-09-2020 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 738/2021/QĐ-PT ngày 25 tháng 02 năm 2021, giữa các đương sự:
* Nguyên đơn: Bà Phan Thị C, sinh năm 1964 và bà Thân Thị Nhật T, sinh năm 1993. Cùng trú tại địa chỉ: thành phố Đà Nẵng. Đều có mặt.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Mai Quốc V và bà Bùi Trần Thùy V, địa chỉ: thành phố Đà Nẵng, là người đại diện theo ủy quyền (theo Giấy ủy quyền ngày 30/10/2019). Ông V vắng mặt, bà V có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Lê Văn C, luật sư Công ty luật TNHH X, thuộc Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng. Có mặt.
* Bị đơn: Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng. Địa chỉ: thành phố Đà Nẵng.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Hà A, sinh năm 1976, số CMND 001076017007 do Cục Cảnh sát ĐKQL cư trú và DLQG về dân cư cấp ngày 03/8/2017, nơi đăng ký thường trú thành phố Hà Nội, là người đại diện theo ủy quyền (theo Giấy ủy quyền số: 03/2020/GUQ ngày 18/9/2020 của Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng). Có mặt.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Bùi Q D, sinh năm 1990, căn cước công dân số 001090000317 do Cục CSQLHC về TTXH cấp ngày 26/5/2020; địa chỉ: Hà Nội. Vắng mặt.
2. Ông Ngô Quốc C, sinh năm 1980, CMND số 012220790 do Công an Thành phố Hà Nội cấp ngày 18/3/2011; địa chỉ: Thành phố Hà Nội. Vắng mặt.
Người đại diện hợp pháp của ông Bùi Q D và ông Ngô Quốc C: Ông Nguyễn Tân Q, sinh năm 1963, CMND số 013330555 do Công an thành phố Hà Nội cấp ngày 06/7/2010, là người đại diện theo ủy quyền (theo Giấy ủy quyền số công chứng: 04464/2020/CCHH/GUQ, quyển số 13 TP/CC- SCC/HĐGD ngày 18/9/2020 của Văn phòng Công chúng H, thành phố Hà Nội). Địa chỉ liên lạc: thành phố Hà Nội. Có mặt.
* Người kháng cáo: Bị đơn - Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Tại Đơn khởi kiện ghi ngày 17/01/2020, đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện ghi ngày 08/5/2020, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa ngày hôm nay, nguyên đơn là bà Phan Thị C và bà Thân Thị Nhật T thống nhất trình bày:
Trong quá trình kinh doanh, ông Ngô Quốc C, ông Bùi Q D, thông qua nhiều mối quan hệ tìm đến chúng tôi vào đầu tháng 10/2018. Theo đó, ông C và ông D muốn thành lập một nhà máy để sản xuất, gia công ép bề mặt gỗ tại Đà Nẵng. Ông C và ông D đã đề nghị chúng tôi hợp tác, góp vốn để đầu tư xây dựng nhà máy, thành lập Công ty tại thành phố Đà Nẵng.
Vào ngày 01/11/2018, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng được Sở Kế hoạch Đầu tư tp. Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp được thành lập với các thông tin:
1. Vốn điều lệ: 4.000.000.000 đồng.
2. Thành viên góp vốn Công ty, bao gồm:
Ông Ngô Quốc C - Góp vốn 1.600.000.000 đồng (Một tỷ sáu trăm triệu đồng) chiếm 40% tỉ lệ vốn góp;
Bà Thân Thị Nhật T - Góp vốn 1.000.000.000 đồng (Một tỷ đồng) chiếm 25% tỉ lệ phần vốn góp;
Ông Bùi Q D - Góp vốn 800.000.000 đồng (Tám trăm triệu đồng) chiếm 20% tỉ lệ phần vốn góp, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Công ty L với chức vụ Giám đốc;
Bà Phan Thị C - Góp vốn 600.000.000 đồng (Sáu trăm triệu đồng) chiếm 15% tỉ lệ phần vốn góp.
3. Người đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Q D, chức danh: Giám đốc.
4. Ông Ngô Quốc C giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Từ khi được thành lập đến nay, Công ty L đã có các sai phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của chúng tôi. Cụ thể:
Thứ nhất, sau khi Công ty được thành lập, tại cuộc họp Hội đồng thành viên Công ty lần thứ nhất vào ngày 16/11/2018 tất cả 04 thành viên Công ty thống nhất nâng vốn điều lệ của Công ty lên mức 5.000.000.000đ, với tỉ lệ góp vốn bà C và bà T 50%, ông C và ông D 50%, nhưng thực tế chỉ có bà T và bà C góp vốn, còn ông C và ông D không thực hiện việc góp vốn. Tính đến thời điểm khởi kiện, chúng tôi đã góp tổng số vốn góp là 4.911.000.000 đồng vào Công ty L, chiếm 98.22% vốn điều lệ được tăng lên là 5.000.000.000 đồng của Công ty L.
Thứ hai, Công ty L đã không thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp đúng thời hạn cho chúng tôi; không đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp tại các Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
Thứ ba, Công ty phải chịu trách nhiệm liên đới với ông Ngô Quốc C về việc không trung thực trong vấn đề sử dụng số tiền 1.970.000.000 đồng mà chúng tôi góp vốn vào Công ty.
Thứ tư, Công ty L đã có hành vi tự ý thay đổi con dấu Công ty trái quy định pháp luật.
Thứ năm, ngoài hành vi vi phạm nêu trên, Công ty L Đà Nẵng đã có các hành vi khác xâm phạm quyền lợi của những thành viên góp vốn chúng tôi.
Đồng thời, ông C và ông D lấy tư cách là Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty đã tự ý luân chuyển hàng hóa, tự ý chiếm giữ và sử dụng tài sản của Công ty.
Do đó, chúng tôi yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề sau:
- Công nhận Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng có số vốn điều lệ là 5.000.000.000đ (Năm tỷ đồng).
- Công nhận quyền sở hữu của bà Phan Thị C đối với số vốn đã góp là 1.102.500.000 đồng, chiếm tỷ lệ 22,05% trong tổng số vốn điều lệ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng; Công nhận quyền sở hữu của bà Thân Thị Nhật T đối với số vốn đã góp là 3.808.500.000 đồng, chiếm tỷ lệ 76,17% trong tổng số vốn điều lệ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng.
- Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp và ghi vào sổ đăng ký thành viên phần vốn góp, giá trị vốn đã góp của bà Phan Thị C, bà Thân Thị Nhật T tương ứng với giá trị phần vốn đã góp được công nhận nêu trên.
- Bà Phan Thị C, bà Thân Thị Nhật T được quyền liên hệ với cơ quan đăng ký kinh doanh để tiến hành các thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng nhằm ghi nhận quyền sở hữu đối với phần vốn đã góp theo tỷ lệ nêu trên trong tổng số vốn điều lệ 5.000.000.000 đồng.
- Hủy bỏ con dấu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng được đăng ký theo thông báo số: 30/2019 ngày 12/9/2019, Thông báo số: 40/2019 ngày 18/9/2019 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng. Con dấu được đăng ký theo Thông báo không số ngày 06/11/2018 của Công ty L Đà Nẵng có hiệu lực pháp luật.
Ngày 16/6/2020, nguyên đơn có đơn xin rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với việc công nhận bà T là giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty.
Đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Ngô Quốc C và ông Bùi Q D, thì đồng nguyên đơn không đồng ý vì những lý do sau:
Giữa chúng tôi với ông C, ông D không có thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần như trình bày của đại diện ông C, ông D.
Căn cứ thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Tp. Đà Nẵng số: 142/CSĐT-KT ngày 17 tháng 01 năm 2020: “Đối với nội dung tố cáo ông C chiếm đoạt 800 triệu đồng: Ông C có mượn của bà C số tiền 1,1 tỷ đồng để đặt mua nguyên vật liệu cho Công ty, đã trả cho bà C 300 triệu đồng, còn lại số tiền 800 triệu đồng là do 02 bên chưa thống nhất được tiền lãi nên ông C chưa trả cho bà C. Đến nay, ông C đã trả đủ cho bà C số tiền 800 triệu đồng trên (cấn trừ vào khoản tiền 991.183.733 đồng ông C chuyển khoản để mua lại Công ty L Đà Nẵng nhưng sau đó không thực hiện nữa)”. Như vậy, số tiền trên là ông C dùng để trả nợ cá nhân của ông C đối với bà C, không phải là số tiền chuyển nhượng vốn góp như ông đã trình bày.
Số tiền 350.914.397 đồng. Đây là số tiền từ doanh thu của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng, bà T là tài vụ của Công ty nên phải có trách nhiệm giữ số tiền trên, số tiền trên là tiền doanh thu không phải tiền vốn đầu tư, nếu xem đó là số tiền vốn đầu tư thì Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng phải thực hiện việc tăng vốn điều lệ thêm 350.914.397 đồng (thông qua sự thống nhất của các thành viên) chứ không thể trừ vào số vốn đầu tư vì như ông C đã nêu theo tài liệu ông C trình bày.
Số tiền 294.901.870 đồng. Đây là số tiền công nợ giữa 2 Công ty A và Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng, không phải là tiền vốn đầu tư, nên không thế trừ vào số tiền vốn đầu tư của bà Phan Thị C.
* Bị đơn Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng (sau đây gọi tắt là Công ty L). Tại văn bản ý kiến ngày 19/5/2020, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa hôm nay (người đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày:
Đại diện bị đơn xin rút lại các nội dung phản tố đã yêu cầu Tòa án giải quyết trước đây. Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, Công ty L có ý kiến như sau:
Về tăng vốn điều lệ: Số tiền góp thêm của bà C, bà T chỉ là tiền vốn lưu động, chưa được xem là góp vốn để tăng vốn điều lệ vì lý do các bên chưa họp hội đồng thành viên, chưa có nghị quyết tăng vốn, chỉ tạm thời có chủ trương chứ chưa thực hiện thủ tục, chưa thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh. Các biên bản họp HĐTV không được thực hiện đúng trình tự thủ tục theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ của Công ty L nên không được xem là nghị quyết của Công ty về việc tăng vốn điều lệ. Do đó, bị đơn không đồng ý việc ghi nhận vốn điều lệ của Công ty là 05 tỷ đồng và giá trị phần vốn góp của bà C là 1.102.500.000đ, bà T là 3.808.500.000đ. Công ty chỉ chấp nhận số tiền góp vốn điều lệ của bà T và bà C là 1,6 tỷ theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty L Đà Nẵng. Còn lại số tiền vượt quá là số tiền bà T, bà C cho Công ty vay làm vốn lưu động, các chi phí này có được chấp nhận là tiền góp vào công ty hay không cần phải đối chiếu xác minh và có ý kiến của đơn vị kiểm toán độc lập.
Về yêu cầu của nguyên đơn về việc công nhận bà Thân Thị Nhật T là người đại diện theo pháp luật của Công ty, do nguyên đơn đã rút yêu cầu này nên Công ty L không có ý kiến.
Về yêu cầu hủy con dấu thì Công ty L thực hiện việc thay đổi con dấu theo đúng quy định của Điều lệ Công ty và Luật Doanh nghiệp nên Công ty L không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Đối với các yêu cầu khác do đối trừ với yêu cầu của bị đơn, người liên quan nên Công ty L không chấp nhận. Công ty L thống nhất với yêu cầu độc lập của ông Ngô Quốc C, ông Bùi Q D.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập: Ông Ngô Quốc C, ông Bùi Q D. Tại đơn yêu cầu độc lập ghi ngày 19/5/2020, đơn sửa đổi, bổ sung yêu cầu độc lập ghi ngày 25/5/2020 trong quá trình giải quyết vụ án người đại diện hợp pháp của ông C, ông D trình bày:
Giấy chứng nhận phần vốn góp của bà Phan Thị C và bà Thân Thị Nhật T ngày 25/2/2019 với tổng số tiền là 2.940.000.000đ là không phù hợp với giá trị vốn góp và tỷ lệ vốn góp giữa bà T và bà C tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty và quy định tại khoản 5 Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2014, giấy chứng nhận phần vốn góp phải có nội dung về phần vốn góp, giá trị vốn góp của thành viên, vốn điều lệ của Công ty.
Trước đây giữa ông C, ông D và bà C, bà T đã có thỏa thuận về việc bà T, bà C sẽ bán lại toàn bộ phần vốn góp của bà T, bà C tại Công ty L Đà Nẵng cho ông C, ông D với giá 1,637 tỷ đồng (có văn bản xác định là 1,6 tỷ đồng) bằng tổng giá trị vốn góp của bà T, bà C theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. Ông C và ông D đã thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho bà C 1,637 tỷ đồng gồm: Chuyển khoản vào tài khoản của bà Phan Thị C số tiền 991.183.733đ, số tiền bà T đang giữ của Công ty: 350.914.397đ, công nợ với Công ty A 294.901.870 đồng. Nhưng khi ông C và ông D yêu cầu bà C, bà T xác nhận việc mua bán phần vốn góp này thì bà C, bà T không đồng ý. Do đó, C, ông D yêu cầu độc lập và xác định phạm vi yêu cầu độc lập như sau:
Yêu cầu Tòa án công nhận thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của bà T, bà C tại Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng với giá trị chuyển nhượng là 1.600.000.000 đồng (một tỷ sáu trăm triệu đồng) cho ông C, ông D.
Với các nội dung trên, Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 06/2020/KDTM - ST ngày 22-09-2020 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết định:
Căn cứ vào:
- Khoản 4 Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 37, khoản 3 Điều 38, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 200, 201, 244 Bộ luật Tố tụng dân sự;
- Các Điều 18, 35, 36, 44, 48, 62, 68 Luật Doanh nghiệp;
- Điều 44 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Chính Phủ về đăng ký doanh nghiệp;
- Điều 12 Nghị định 96/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp;
- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện nguyên đơn bà Phan Thị C và bà Thân Thị Nhật T đối với bị đơn Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng về việc: “Tranh chấp giữa thành viên Công ty với Công ty về quyền sở hữu vốn góp; Tranh chấp về hủy con dấu công ty”.
1.1. Công nhận Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng có số vốn điều lệ là 5.000.000.000đ (năm tỷ đồng).
- Công nhận quyền sở hữu của bà Phan Thị C đối với số vốn đã góp là 1.102.500.000 đồng, chiếm tỷ lệ 22,05% trong tổng số vốn điều lệ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng; Công nhận quyền sở hữu của bà Thân Thị Nhật T đối với số vốn đã góp là 3.808.500.000 đồng, chiếm tỷ lệ 76,17% trong tổng số vốn điều lệ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng.
- Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp và ghi vào sổ đăng ký thành viên phần vốn góp, giá trị vốn đã góp của bà Phan Thị C, bà Thân Thị Nhật T tương úng với giá trị phần vốn đã góp được công nhận nêu trên.
- Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng phải thực hiện các thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh của Công ty nhằm ghi nhận quyền sở hữu đối với phần vốn đã góp của bà Phan Thị C là 1.102.500.000 đồng, chiếm tỷ lệ 22,05% và bà Thân Thị Nhật T là 3.808.500.000 đồng, chiếm tỷ lệ 76,17% trong tổng số vốn điều lệ 5.000.000.000 đồng. Trường hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng không tự thực hiện thì bà Phan Thị C và bà Thân Thị Nhật T được quyền tự liên hệ với cơ quan đăng ký kinh doanh để tiến hành các thủ tục thay đổi nội dung đã được công nhận nêu trên.
1.2. Hủy bỏ con dấu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng được đăng ký theo mẫu dấu tại thông báo số: 30/2019 ngày 12/9/2019, Thông báo số: 40/2019 ngày 18/9/2019 ngày 18/9/2019 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng. Con dấu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng được đăng ký theo mẫu dấu tại Thông báo không số ngày 06/11/2018 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng có hiệu lực pháp luật.
2. Đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu “Tranh chấp trong quá trình quản lý Công ty” của bà Phan Thị C và bà Thân Thị Nhật T về việc công nhận bà Thân Thị Nhật T là Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng.
3. Không chấp nhận yêu cầu độc lập “Tranh chấp giữa các thành viên Công ty về hợp đồng chuyển nhượng vốn góp” của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Bùi Q D và ông Ngô Quốc C với nguyên đơn bà Phan Thị C và bà Thân Thị Nhật T về việc công nhận thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của bà Phan Thị C và bà Thân Thị Nhật T tại Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng cho ông Bùi Q D, ông Ngô Quốc C với giá trị chuyển nhượng là 1.600.000.000 đồng (Một tỷ sáu trăm triệu đồng).
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, quyền kháng cáo và thi hành án theo quy định của pháp luật.
Trong thời hạn luật định, Ngày 22 tháng 9 năm 2020, bị đơn Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn giữ nguyên nội dung kháng cáo, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, các đương sự không tự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn giữ nguyên tất cả các ý kiến tại Văn bản ý kiến ngày 15/03/2021 đã gửi đến Tòa án.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng phát biểu quan điểm giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra công khai tại phiên tòa; nghe ý kiến trình bày của đương sự; quan điểm giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.
[1] Về tố tụng:
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là ông Bùi Q D và ông Ngô Quốc C, sau khi xét xử sơ thẩm, trong thời hạn luật định hai ông không kháng cáo yêu cầu xem xét ở giai đoạn phúc thẩm, đến ngày 15/3/2021, hai ông có đơn rút yêu cầu độc lập. Việc rút yêu cầu độc lập nguyên đơn không đồng ý và đề nghị Tòa giải quyết theo quy định của pháp luật nên Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án.
[2] Xét kháng cáo của bị đơn, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm thấy:
[2.1] Về việc thành lập, tỷ lệ vốn góp ban đầu: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng (sau đây gọi tắt là Công ty L Đà Nẵng), đăng ký thành lập lần đầu ngày 01/11/2018 (Thông tin thành lập doanh nghiệp: loại hình doanh nghiệp: Công ty TNHH hai thành viên trở lên, mã số doanh nghiệp 0401935240, trụ sở chính: thành phố Đà Nẵng) có vốn điều lệ:
4.000.000.000 đồng. Danh sách thành viên sáng lập và tỷ lệ cam kết góp vốn ban đầu gồm 04 thành viên: Ông Bùi Q D cam kết góp số tiền 800.000.000đ tương đương với tỷ lệ 20% vốn điều lệ, ông Ngô Quốc C cam kết góp số tiền 1.600.000.000 đồng tương đương với 40% vốn điều lệ, bà Thân Thị Nhật T cam kết góp số tiền 1.000.000.000 đồng tương đương với 25% vốn điều lệ, bà Phan Thị C cam kết góp 600.000.000 đồng tương đương với 15% vốn điều lệ. Thông tin thành lập, danh sách thành viên và tỷ lệ vốn góp là phù hợp thỏa thuận của các bên đương sự tại các Điều 7, 14 Điều lệ thành lập Công ty L được phát hành ngày 18/10/2018.
[2.2] Xét việc tăng tỷ lệ vốn góp của các thành viên (sau đây viết tắt là HĐTV) công ty: Tại Biên bản họp HĐTV lần thứ I ngày 16/11/2018 (các bút lục từ 258-260), 04 thành viên sáng lập Công ty gồm ông C, ông D, bà C, bà T thống nhất thông qua nội dung “nâng vốn điều lệ công ty lên mức 5.000.000.000đ, với tỷ lệ góp vốn bà T, bà C góp 50% và ông C, ông D góp 50%”. Như vậy, việc thống nhất tăng vốn điều lệ của HĐTV Công ty L Đà Nẵng là phù hợp với khoản 1, 2 Điều 13 Điều lệ Công ty. Công ty có thể tăng vốn điều lệ trong các trường hợp sau đây: “Tăng vốn góp của thành viên”, điểm b khoản 2 điều 15 Điều lệ “Hội đồng thành viên quyết định tăng hay giảm vốn điều lệ, quyết định thời điểm và phương thức huy động thêm vốn” và thỏa mãn điều kiện tiến hành cuộc họp HĐTV, điều kiện thông qua quyết định của HĐTV tại Điều 22, 23 Điều lệ Công ty và Điều 62 Luật Doanh nghiệp. Do đó, việc nguyên đơn yêu cầu công nhận Công ty L có số vốn điều lệ là 5.000.000.000 đồng là có cơ sở.
[2.3] Sau khi có thỏa thuận về việc tăng vốn điều lệ, bà C, bà T tiếp tục thực hiện nghĩa vụ góp vốn theo vốn điều lệ mới. Do Công ty không công nhận đúng số vốn đã góp nên bà C, bà T yêu cầu Tòa án công nhận quyền sở hữu vốn đã góp theo tỉ lệ thực tế. Xét việc thực hiện nghĩa vụ góp vốn của bà C và bà T thì thấy:
[2.3.1] Xét việc góp vốn của bà Phan Thị C: Theo Bảng tổng hợp các hạng mục đầu tư được công nhận của bà Phan Thị C (bút lục 289), thấy vốn góp của bà C hình thành từ các khoản gồm góp trực tiếp bằng tiền mặt, giá trị đầu tư cơ sở hạ tầng nhà xưởng, nhà tập thể, chi phí thành lập, hoạt động của công ty... với tổng giá trị là 1.102.500.000 đồng. Bà C cung cấp được các chứng cứ đã chi, nộp các khoản tiền trên như hóa đơn, giấy chuyển tiền, giấy báo có đứng tên bà Phan Thị C hoặc ông Thân Trọng M, chồng bà C chi thay bà C khoản tiền này, thể hiện tại Văn bản giải trình ngày 28/2/2020 (bút lục từ 374 – 394). Đến ngày 25/2/2019, bà C đã được người đại diện theo pháp luật của Công ty L Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận vốn góp số: 04/GCNGV-L1 ngày 25/02/2019, theo khoản 5 Điều 8 Điều lệ Công ty và Điều 48 Luật Doanh nghiệp đối với phần giá trị vốn góp là 1.102.500.000 đồng.
[2.3.2] Đối với bà Thân Thị Nhật T: Theo Bảng tổng hợp các hạng mục đầu tư được công nhận của bà Thân Thị Nhật T (các bút lục 290, 291) và trình bày của bà T thì thấy: bà T góp vốn bằng tiền mặt, giá trị cơ sở hạ tầng, máy móc phục vụ sản xuất và trang thiết bị phục vụ sinh hoạt, đời sống công nhân.... với tổng giá trị là 3.808.500.000 đồng, gồm có hai khoản:
- Số tiền 1.837.500.000 đồng đã được Công ty cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp số: 03/GCNGV-L1 ngày 25/2/2019 phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 8 Điều lệ và Điều 48 Luật Doanh nghiệp.
- Số tiền 1.971.000.000đ chưa được cấp Giấy chứng nhận. Gồm 03 lần góp vốn: lần 1, góp 1.100.000.000đ theo Giấy báo có ngày 23/01/2019 của Ngân hàng X Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng (bút lục 424, 425), được Công ty sử dụng để thanh toán tiền mua máy Melamine theo Ủy nhiệm chi ngày 23/01/2019 với nội dung “chuyển tiền máy gia công gỗ đợt 1”; lần 2, góp 500.000.000 đồng, được bà T nộp cùng 600.000.000 đồng là tiền doanh thu của Công ty, tổng cộng là 1.100.000.000đ theo Giấy báo có ngày 24/01/2019 của Ngân hàng X Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng (bút lục 421, 422), được Công ty sử dụng để thanh toán tiền mua máy và tiền hàng theo Ủy nhiệm chi ngày 24/01/2019 với nội dung “chuyển tiền máy đợt 2 và hàng”; lần 3, góp 370.000.000 đồng theo Phiếu hạch toán ngày 25/1/2019 (bút lục 419) của Ngân hàng X Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng. Công ty sử dụng để đặt cọc mua máy Acrylic theo Lệnh yêu cầu chuyển tiền ngày 25/01/2020 từ tài khoản của Công ty chuyển cho đối tác phía Trung Quốc.
Các khoản tiền trên đều được bà T góp vốn theo yêu cầu của Giám đốc và Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty, đã nộp trực tiếp vào tài khoản của Công ty và Công ty đã sử dụng đúng mục đích góp vốn.
[2.3.3] Tại Biên bản lấy lời khai do Cơ quan điều tra – Công an thành phố Đà Nẵng lập ngày 01/10/2019 (bút lục 709), ông C thừa nhận có thỏa thuận với bà T, bà C về việc mua máy Acrylic, cũng như trong tháng 01/2019 hai bên thỏa thuận góp vốn mua máy Melamine và bà C, bà T đã góp vào Công ty số tiền là 1,1 tỷ đồng. Theo Thông báo số 142/CSĐT – KT ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng về kết quả giải quyết thông tin về tội phạm thì đối với số tiền 1,971 tỷ đồng là số tiền trên dùng để mua máy ép Acrylic 371.000.000 đồng, máy gia công gỗ ECE – 900k (1.500.895.000 đồng), hàng hóa 99.105.000 đồng. Như vậy, lời trình bày của bà T là có cơ sở, phù hợp với lời khai của các bên đương sự trước khi xảy ra tranh chấp, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
[2.3.4] Tại các Biên bản lấy lời khai ngày 25/10/2019, ngày 01/12/2019 do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Đà Nẵng lập (bút lục 687, 688), ông D, ông C đã xác nhận tổng số tiền góp vốn của bà C, bà T là 4.911.000.000 đồng, trong đó số tiền 2,94 tỷ đồng đã được cấp Giấy chứng nhận phần phần vốn góp số: 03/GCNGV-L1 ngày 25/02/2019 và số: 04/GCNGV-L1 ngày 25/02/2019 cho bà C, bà T do chính ông D ký, còn lại số tiền 1,971 tỷ đồng là tiền chuyển góp vốn vào Công ty nhưng chưa được được cấp Giấy chứng nhận vì lý do cần xác định lại số tiền này là tiền của cá nhân bà T, bà C góp vào Công ty hay là tiền kinh doanh của Công ty do bà T là người quản lý tài chính của Công ty. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án ông C, ông D cũng như Công ty L không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh khoản tiền này 1,971 tỷ đồng này là tiền của Công ty L. Tại Văn bản chi tiết công nợ phải trả từ ngày 01/01/2018 đến ngày 25/01/2019 (bút lục 620) có chữ ký xác nhận ông D là Giám đốc Công ty cũng thể hiện số tiền bà T, bà C đầu tư xây dựng và góp vốn chuyển khoản vào Công ty là 4.911.488.321 đồng.
[2.4] Đối với phần vốn góp của ông C, ông D: Lời khai của hai Ông (thời điểm trước khi xảy ra vụ án này) trình bày đã góp 3.438.261.954 đồng, trong đó ông D góp khoản 1,2 tỷ đồng và ông C góp khoản 2,2 tỷ đồng, gồm máy dán cạnh gỗ ECE – 900k là 2 tỷ đồng, 02 máy cắt CNC giá 199.000.000 đồng tiền hàng hóa 1.104.141.156 đồng, máy ép Acrylic 994.312.200 đồng; chi phí thuê nhà xưởng là 120.591.000 đồng, không có chứng từ nhưng thể hiện cụ thể tại nhà xưởng về việc sửa chữa, thuê mặt bằng (các bút lục 686, 690, 691). Nhưng thực tế máy dán cạnh gỗ ECE – 900k, máy ép Acrylic đều được các bên đương sự thừa nhận hình thành từ nguồn tiền là vốn góp của bà T, chứng từ thanh toán Hợp đồng thuê nhà xưởng số 15/11/2018/HĐKT ngày 15/11/2018 (bút lục 603) giữa Công ty L Đà Nẵng với Công ty Cổ phần Xuân Hưng là do bà C thanh toán từ tài khoản của bà và được đại diện theo pháp luật của Công ty xác nhận tại Bảng tổng hợp các hạng mục C T đã đầu tư (bút lục 620). Về việc sữa chữa thì căn cứ các chứng từ như xây dựng như ngăn vách, đổ bê tông nhà xưởng, cắt bê tông, mua bóng đèn, tủ điện, xe nâng tay, thuê nhà tập thể cho công nhân, mua sắt sửa chữa nhà xưởng, chi phí vận chuyển máy dán cạnh, trả tiền hàng cho L Hà Nội, mua thép vuông, mua tôn mạ.. đều đứng tên bà Phan Thị C, bà Thân Thị Nhật T hoặc ông Thân Trọng M chi thay bà C, bà T.
Trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, đại diện hợp pháp của Công ty L và đại diện hợp pháp của ông C, ông D khai nhận không thống nhất về số tiền góp vốn mà chính ông C, ông D đã khai tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng trước đây; trong vụ án này, ông C, ông D không yêu cầu Tòa án xem xét hoặc công nhận phần vốn góp của mình, cũng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh về số tiền vốn đã góp vào Công ty là bao nhiêu. Do đó, không có cơ sở xem xét giá trị, tỷ lệ vốn góp của ông C, ông D. Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định và giành quyền khởi kiện cho hai ông trường hợp sau khi bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, nếu các ông có yêu cầu công nhận quyền sở hữu vốn góp dẫn đến thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ góp vốn giữa các thành viên trong Công ty L Đà Nẵng thì được giải quyết trong một vụ án khác, là phù hợp.
[2.5] Từ các nhận định trên, có căn cứ xác định việc chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn giữa bà C, bà T vào Công ty L Đà Nẵng với số tiền 4.911.000.000 đồng (trong đó bà C là 1.102.500.000 đồng và bà T là 3.808.500.000 đồng) đã hoàn thành, phù hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 8 và Điều 36 Luật Doanh nghiệp nên cần được công nhận; với số vốn Điều lệ của Công ty L ban đầu là 4.000.000.000 đồng, sau được tất cả các thành viên Công ty thống nhất tăng lên là 5.000.000.000 đồng và tỉ lệ cam kết góp vốn là bà C và bà T 50%, ông C và ông D 50%. Tuy nhiên, thực tế các bên góp vốn không như tỉ lệ đã cam kết. Bà C, bà T đã góp vốn nhiều hơn tỉ lệ cam kết, còn ông C, ông D góp ít hơn tỉ lệ cam kết. Tất cả các lần góp vốn của bà C, bà T đều được thực hiện theo yêu cầu và được xác nhận bởi Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty và Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty. Trong khi việc góp vốn của ông C, ông D thì không được các thành viên còn lại công nhận, cũng không có tài liệu chứng minh. Do đó, cần công nhận số tiền và tỉ lệ vốn góp thực tế của bà C đã góp vào là 1.102.500.000 đồng chiếm tỉ lệ 22,05% trong tổng số vốn điều lệ và bà T góp 3.808.500.000 đồng chiếm tỉ lệ 76,17% trong tổng số vốn điều lệ. Do vậy, Công ty L Đà Nẵng phải thực hiện việc đăng ký tăng vốn điều lệ từ 4.000.000.000 đồng lên 5.000.000.000 đồng, đồng thời đăng ký thay đổi tỷ lệ góp vốn cho bà C và bà T với số vốn góp và tỉ lệ như nêu trên theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Điều lệ Công ty L Đà Nẵng, khoản 4 Điều 48, khoản 4 Điều 68 Luật Doanh nghiệp, Điều 44 Nghị định số 78/2015/NĐ – CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Chính Phủ về đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp Công ty L Đà Nẵng không thực hiện thì bà T, bà C có quyền liên hệ với cơ quan đăng ký kinh doanh để thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh như nêu trên.
[3] Về tranh chấp con dấu của Công ty L:
[3.1] Tại Điều 1 Điều lệ Công ty L Đà Nẵng quy định chỉ có 01 con dấu. Việc quản lý, sử dụng và lưu trữ con dấu giao cho người đại diện theo pháp luật của Công ty, quy định này của Điều lệ phù hợp với Điều 44 Luật Doanh nghiệp. Sau khi đăng ký thành lập, mẫu con dấu được Hội đồng thành viên Công ty L thông qua và Công ty L đã đăng ký mẫu con dấu theo quy định của pháp luật theo Thông báo không số ngày 06/11/2018. Ngày 16/11/2018, Giám đốc Công ty L Đà Nẵng ban hành quyết định số 01/2018/QĐ về việc ban hành quy chế quản lý nội bộ Công ty, theo đó giao cho bà T thực hiện việc giữ gìn, quản lý, sử dụng con dấu dưới sự kiểm soát của các thành viên trong hội đồng. Do vậy, bà T giữ con dấu của Công ty đã đăng ký theo Thông báo không số ngày 06/11/2018 là phù hợp với quy chế đã ban hành và quy định của pháp luật. Nhưng ngày 12/9/2019, Công ty L có Thông báo số 30/2019 về việc thay đổi mẫu con dấu của doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 13/9/2019 với lý do mẫu con dấu cũ bị mất, trong khi bà T là người đang giữ hợp pháp mẫu dấu này. Tiếp đến ngày 18/9/2019 Công ty L tiếp tục có Thông báo số: 40/2019 về việc thay đổi mẫu dấu của doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 20/9/2019.
[3.2] Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp thì Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, quyết định số lượng, hình thức, nội dung và mẫu con dấu, việc quản lý và sử dụng con dấu. Theo khoản 3 điều 23 Điều lệ Công ty và Điều 68 Luật Doanh nghiệp thì việc quyết định của Hội đồng thành viên chỉ được thông qua khi có ít nhất 85% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành. Bà T, bà C trình bày từ trước đến khi có tranh chấp, các bên đều không có trao đổi nội dung thay đổi mẫu dấu. Ông C, ông D cũng không cung cấp được tài liệu liên quan đến việc Hội đồng thành viên quyết định thay đổi mẫu dấu này.
[3.3] Ngoài ra, mẫu dấu của Công ty L đăng ký thay đổi theo Thông báo số 40/2019 ngày 18/9/2019 không thể hiện đúng tên Công ty: Tên Công ty đã được đăng ký là “CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI VÀ SẢN XUẤT L ĐÀ NẴNG”, và tên viết tắt của Công ty đã được đăng ký là “CÔNG TY TNHH TM & SX L ĐÀ NẴNG”. Trong khi đó, tên Công ty thể hiện trên con dấu là: “CÔNG TY L ĐÀ NẴNG”, không thể hiện đúng mã số doanh nghiệp của Công ty: Mã số đăng ký doanh nghiệp của Công ty là “0401935240”. Mã số thể hiện trên con dấu sau khi thay đổi là: “0410935240”. Do đó, việc hủy hiệu lực con dấu theo Thông báo số 30/2019, Thông báo số 40/2019 ngày 18/9/2019 của Công ty L theo yêu cầu của bà C, bà T là có cơ sở chấp nhận. Mẫu dấu được đăng ký theo Thông báo không số ngày 06/11/2018 của Công ty L Đà Nẵng được thông qua bởi Hội đồng thành viên và đã dược đăng ký theo quy định của Luật Doanh nghiệp có hiệu lực pháp luật.
[4] Xét yêu cầu độc lập của ông Ngô Quốc C và ông Bùi Q D:
[4.1] Ông D, ông C yêu cầu Tòa án công nhận thỏa thuận bằng lời nói về việc bà T, bà C chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty L cho ông C, ông D với giá trị chuyển nhượng là 1.600.000.000 đồng; về nội dung này, tại Cơ quan điều tra, ông C trình bày ông có văn bản cam kết mua lại Công ty và đã thực hiện việc chuyển số tiền 1.600.000.000 đồng. Theo bảng kê chi tiết về thanh toán tiền chuyển nhượng phần vốn góp do đại diện theo ủy quyền của ông C, ông D giao nộp thì số tiền này gồm: chuyển khoản 07 lần vào tài khoản của bà C số tiền là 991.183.733 đồng, số tiền bà T đang giữ của Công ty 350.914.397 đồng, công nợ với Công ty A 294.901.870 đồng.
Xét việc chuyển nhượng vốn góp giữa các bên đương sự không được lập thành Văn bản có xác nhận của hai bên. Hai ông C, D cũng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ thể hiện bà T, bà C đồng ý chuyển nhượng phần vốn góp, bà C, bà T cũng không thừa nhận có giao dịch chuyển nhượng vốn góp. Đại diện Công ty L cũng xác nhận Công ty không có tài liệu nào xác nhận việc chuyển nhượng vốn góp giữa các bên.
[4.2] Đối với số tiền 991.183.733 đồng, tại Thông báo số 142/CSĐT – KT ngày 17/01/2020 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng về kết quả giải quyết thông tin về tội phạm, có nêu đối với số tiền ông C mượn bà C 1,1 tỷ đồng, ông C đã trả cho bà C 300.000.000 đồng và tiếp tục cấn trừ vào khoản tiền 991.183.733 đồng chuyển khoản để mua lại công ty nhưng sau đó không thực hiện nữa. Như vậy, số tiền 991.183.733 đồng này là tiền ông C trả nợ cho cá nhân bà C. Đối với số tiền bà T đang giữ của Công ty L Đà Nẵng là 350.914.397 đồng thuộc sở hữu của Công ty. Trường hợp giữa Công ty với bà T có tranh chấp số tiền này sẽ được giải quyết trong một vụ án khác. Công nợ giữa Công ty L với Công ty A 294.901.870 đồng không thuộc phạm vi các bên tranh chấp. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận cầu độc lập của ông C, ông D về việc công nhận thỏa thuận chuyển nhượng vốn góp, là hoàn toàn phù hợp.
Từ các nhận định, phân tích nêu trên, việc Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, đồng thời bác yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là phù hợp, đúng pháp luật nên Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Từ các nhận định, phân tích nêu trên, việc Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, đồng thời bác yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là phù hợp, đúng pháp luật nên Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[5] Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận nên bị đơn phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định.
[6] Các quyết định khác còn lại của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự;
Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L và giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 06/2020/KDTM-ST ngày 22/9/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Căn cứ: Khoản 4 Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 37, khoản 3 Điều 38, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 200, 201, 244 Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ: Các Điều 18, 35, 36, 44, 48, 62, 68 Luật Doanh nghiệp;
Căn cứ: Điều 44 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp;
Căn cứ: Điều 12 Nghị định 96/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp;
Căn cứ: Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí tòa án.
Xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện nguyên đơn: bà Phan Thị C và bà Thân Thị Nhật T đối với bị đơn: Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng về việc Tranh chấp giữa thành viên Công ty với Công ty về quyền sở hữu vốn góp; Tranh chấp về hủy con dấu công ty.
1.1. Công nhận Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng có số vốn điều lệ là 5.000.000.000đ (Năm tỷ đồng).
- Công nhận quyền sở hữu của bà Phan Thị C đối với số vốn đã góp là 1.102.500.000 đồng, chiếm tỷ lệ 22,05% trong tổng số vốn điều lệ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng; Công nhận quyền sở hữu của bà Thân Thị Nhật T đối với số vốn đã góp là 3.808.500.000 đồng, chiếm tỷ lệ 76,17% trong tổng số vốn điều lệ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng.
- Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp và ghi vào sổ đăng ký thành viên phần vốn góp, giá trị vốn đã góp của bà Phan Thị C, bà Thân Thị Nhật T tương ứng với giá trị phần vốn đã góp được công nhận nêu trên.
- Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng phải thực hiện các thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh của Công ty nhằm ghi nhận quyền sở hữu đối với phần vốn đã góp của bà Phan Thị C là 1.102.500.000 đồng, chiếm tỷ lệ 22,05% và bà Thân Thị Nhật T là 3.808.500.000 đồng, chiếm tỷ lệ 76,17% trong tổng số vốn điều lệ 5.000.000.000 đồng. Trường hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng không tự thực hiện thì bà Phan Thị C và bà Thân Thị Nhật T được quyền tự liên hệ với cơ quan đăng ký kinh doanh để tiến hành các thủ tục thay đổi nội dung đã được công nhận nêu trên.
1.2. Hủy bỏ con dấu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng được đăng ký theo mẫu dấu tại thông báo số 30/2019 ngày 12/9/2019, Thông báo số 40/2019 ngày 18/9/2019 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng. Con dấu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng được đăng ký theo mẫu dấu tại Thông báo không số ngày 06/11/2018 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng có hiệu lực pháp luật.
2. Đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu “Tranh chấp trong quá trình quản lý Công ty” của bà Phan Thị C và bà Thân Thị Nhật T về việc công nhận bà Thân Thị Nhật T là Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng.
3. Không chấp nhận yêu cầu độc lập “Tranh chấp giữa các thành viên Công ty về hợp đồng chuyển nhượng vốn góp” của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: ông Bùi Q D và ông Ngô Quốc C với nguyên đơn bà Phan Thị C và bà Thân Thị Nhật T về việc công nhận thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của bà Phan Thị C và bà Thân Thị Nhật T tại Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng cho ông Bùi Q D, ông Ngô Quốc C với giá trị chuyển nhượng là 1.600.000.000 (Một tỷ sáu trăm triệu) đồng.
4. Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng phải chịu 300.000 (Ba trăm nghìn đồng), được khấu trừ vào số tiền 300.000 (Ba trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu số 0002712 ngày 20/10/2020 của Cục thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng. Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất L Đà Nẵng đã nộp đủ án phí phúc thẩm.
5. Các quyết định khác còn lại của bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét